« CẦU NGUYỆN »

Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013
Chúa nhật XXIX Thường Niên, năm C 

« CẦU NGUYỆN » 

Bài đọc 1:   Xuất hành 17, 8-13 

Bài đọc 2: 2 Timôthê 3,14 – 4,2 

Tin Mừng: Luca 18, 1-8 

Mỗi một tôn giáo đều có một hình thức cầu nguyện. Tôn giáo nào, đạo nào cũng dạy con người phải cầu nguyện. Đạo Công Giáo có cách cầu nguyện rất đặc biệt. Không ai có thể sống đời Kitô hữu tốt mà không cầu nguyện. Nhưng chúng ta phải hiểu cầu nguyện là gì và cầu nguyện thế nào? Chính Đức Giêsu đã dạy các môn đệ và chúng ta cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha. Hôm nay, Người dạy các môn đệ: « Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí » (Lc 18,1). 

Cảnh 1: Môsê và Amalek (2V 5, 14-17) 

Phụng vụ cho chúng ta đọc lại đoạn sách Xuất Hành 17, 8-13 trong bài đọc I: thuật lại hình ảnh Môsê cầu nguyện cho dân Israel trong trận chiến với người Amalek. Đó là một cuộc chiến không cân sức. Một bên là con cái Israel, bấy giờ đang trên đường từ Biển Ðỏ tiến đến ngọn núi Sinai. Họ đã ra khỏi Ai Cập nhờ cánh tay uy dũng của Thiên Chúa. Nhưng hào khí lúc đầu đã dần dần suy giảm vì cảnh hoang vu của sa mạc, khí nóng của cát bỏng, thiếu thốn về của ăn và thức uống. Bên kia là quân thiện chiến của Amalek.   Amalek là dòng dõi của Cain (Kng 36,3; 26,34; 28,9), kẻ đã nhẫn tâm sát hại Abel, em mình. Chúng nó theo gương cha mình, luôn nuôi dưỡng một lòng thù địch đối với dòng dõi Abel, tức là dòng dõi được Chúa ưu tuyển. 

Trong bối cảnh ấy, dân Israel chiến thắng không phải do dung lực của các chiến binh, mà là do tác động của Thiên Chúa. Vì thế, khi nào Môsê mệt mỏi, hạ tay xuống, thì Israel thua trận, còn nếu ông cứ giơ tay lên cầu nguyện, thì dân Israel thắng trận (Xh 17, 12). Thế mới hay sức mạnh và sự kiên trì cầu nguyện là chìa khóa để chiến thắng. 

Cảnh 2: Bà góa nghèo và viên thẩm phán (Lc 18, 1-8) 

Đây là một phân đoạn dẫn vào văn cảnh cánh chung, khuyến dụ người ta phải thức tỉnh sẵn sàng chờ đợi Con Người đến lúc nào và như thế nào không ai có thể biết (17, 22-37); bởi đó mà phải kiên trì cầu nguyện để giữ vững đức tin cho đến lúc Người đến: « các con phải cầu nguyện luôn, không được nản chí ». 

Thoạt nhìn chúng ta chưa thấy những tư tưởng đặc sắc, bởi đó chỉ là một câu chuyện tầm thường mà ta có thể gặp ở bất cứ nơi đâu. Hai nhân vật chính là hiện thân của hai hạng người khác nhau hoàn toàn trong xã hội lúc bấy giờ. Một bên là vị thẩm phán giàu sang, quyền cao chức trọng. Ông có quyền phán xử cả trên sự sống chết. Vì thế mà ông mới là người không sợ trời, không sợ đất và chẳng quan tâm đến mọi người. Ông thích làm theo ý mình chứ không làm theo chức vụ. Đối lại, bên kia là người đàn bà nghèo khó thuộc lớp bần cùng, không có bất cứ thứ gì từ tài sản cho đến quyền công dân. Chỗ dựa duy nhất của bà là người chồng không còn nữa. Bà mất tất cả. Bà là người cô thế cô thân. Bởi vậy, bà mới dễ dàng bị đối phương ăn hiếp. Bà chỉ còn một phương tiện tranh đấu duy nhất là kiên nhẫn kêu than suốt đêm ngày tại cửa quyền. Quan tòa bực bội hết sức, nhưng cũng đành phải đầu hàng sự quấy rầy của bà. 

Câu chuyện chỉ có thế, nhưng tác giả Luca hướng độc giả của mình đến thái độ kiên trì của người cầu xin và sự nhượng bộ của người phải nghe tiếng van nài. Luca nhấn mạnh nhiều đến việc phải cầu nguyện, nhất là trong những lúc thử thách (x. 22, 40.46). Câu kết của dụ ngôn (c. 8) cho thấy mục đích của việc cầu nguyện là giữ vững đức tin cho đến ngày Chúa đến. Trong khi chờ đợi Chúa đến, cầu nguyện là phương thế tuyệt hảo nhất để khỏi mất đức tin. Mặt khác, trong sự hỗ tương, lòng tin là điều kiện cốt yếu để ta cầu nguyện. Nếu hiểu lòng tin là sống mối tương quan giữa Chúa với ta, thì khi ta cầu nguyện chính là lúc ta để cho mối tương quan ấy “làm việc”, để ta càng ý thức hơn rằng Chúa hằng bênh vực ta vì ta thuộc về Người trong Đức Ki-tô. Thế nên, Chúa Giêsu đã kết thúc bài giáo huấn hôm nay bằng lời ta thán: « Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Con Người sẽ còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng? ». 

Nhìn vào thế giới hôm nay, ta sẽ hiểu được phần nào. Đó là một thế giới đang gặp khủng hoảng lớn về đức tin, nhân loại đang đánh mất chiều kích lớn lao nhất, chiều kích Thiên Chúa.   Con người đang loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời mình, chân còn đạp đất nhưng đầu không muốn đội trời. Tương quan nhân loại vì thế cũng trở thành nhạt nhẽo và trống rỗng. Bởi không tin Thiên Chúa và khinh thường anh em, nên họ cũng chẳng cần phải gắn bó với ai.   Nhân loại phân rẽ thành các khối thù nghịch. Vết nứt càng ngày càng lớn thành một hố sâu sẽ nuốt sống toàn thể nhân loại.   Nhưng họ đâu biết rằng, để lấp đầy hố sâu đó, con người cần phải trở về với Thiên Chúa, trong khiêm cung và sự phó thác mà dâng lời cầu nguyện. Nhờ sức mạnh đó, con người mới có thể lớn lên theo một tầm vóc của Đức Kitô mà thân thưa: “ Lạy Cha chúng con ở trên trời ”. Đó là lời cầu nguyện đẹp nhất làm cho con người càng trưởng thành và thăng tiến theo chiều hướng cánh chung, để “ Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. 

Kinh nghiệm đời sống đức tin dạy ta bài học này: rất nhiều khi ta chẳng thấy Thiên Chúa đâu cả, mà chỉ thấy trơ trọi một mình. Bài thư Phaolô hôm nay là một đoạn trong thư II gửi cho Timôthê, qua đó Phaolô muốn ủy lạo Timôthê trước những khó khăn làm ông chán nản nhụt chí: « Con hãy bền vững trong các điều con đã học... và hãy cứ rao giảng Lời Chúa !». Thử thách mà Timôthê gặp phải cũng giống việc con cái Israel gặp Amalek, và cũng như những lúc ta thấy nhàm chán trong việc cầu nguyện. Tất cả đều là cám dỗ và trở ngại khiến ta giảm bớt lòng tin vào Chúa và đời sống đạo đức của ta không còn tín nghĩa nữa. Phaolô hôm nay giúp Timôthê một phương pháp: hãy cầm lấy Thánh Kinh như Môsê cầm cây gậy mà bước tiếp cuộc hành trình về Đất Hứa. 

Hôm nay cũng là ngày khánh nhật truyền giáo, ngày cả Giáo Hội cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo, đồng thời cũng là dịp để ta ý thức vai trò loan báo Tin Mừng của mình. 

Truyền giáo là bản chất của Giáo Hội. Tuy nhiên, truyền giáo có nhiều cách. Một trong những cách truyền giáo hữu hiệu nhất chính là cầu nguyện. 

Tại sao khi truyền giáo phải cầu nguyện? Bởi công trình cứu độ là của Thiên Chúa, và ta chỉ là người cộng tác vào công trình ấy mà thôi. Chính Thiên Chúa mới làm cho công cuộc truyền giáo sinh hoa kết quả (x. 1 Cr 3, 6-7). Khi cầu nguyện, ta biết được tính cấp thiết của sứ vụ, biết mưu cầu hạnh phúc cho người khác, sẵn sàng hy sinh, trung thành vì Nước Trời và phần rỗi của các linh hồn. 

Cầu nguyện, trước hết là xin Chúa biến đổi ta, hầu xứng đáng là sứ giả của Chúa, là người thợ gặt lành nghề như Chúa muốn trong cánh đồng truyền giáo của Ngài, trở nên người gieo vãi hạt giống Tin Mừng yêu thương giữa một thế giới đang dần xa rời Thiên Chúa, đến với những con người chưa nhận biết Chúa, và cả những con người lầm lạc trong thế giới hôm nay. 

Lm. Quốc Bảo 
Chia sẻ bài viết ^^
Other post

All comments [ 0 ]


Your comments