ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ MUỐN MỘT GIÁO HỘI BỊ TAI NẠN HƠN LÀ MỘT GIÁO HỘI BỆNH HOẠN ((phần cuối)

Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013
I. Thế nào là một Giáo Hội bị tai nạn?
Đó là một Giáo Hội dám đi ra khỏi mình để dấn thân vào công cuộc truyền Giáo, bất chấp những gian lao thử thách, bất chấp những khó khăn, bách hại do các thế lực trần thế ngăn cản. Một Giáo Hội dám đi ra khỏi mình để xông pha vào lãnh vực truyền giáo dù gặp khó khăn “tai nạn” Giáo Hội vẫn đóng góp việc mở mang phát triển Nước Chúa hơn. Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo. Ở 4 thế kỷ đầu khởi công truyền giáo, Giáo Hội đã bị bách hại nhiều “tai nạn nhiều” nhưng Giáo Hội lại càng phát triển mạnh hơn bao giờ hết. Nếu 12 Tông đồ không dám đi ra thì Giáo Hội chỉ có 12 người và mất gốc sau khi các ông chết hết.
Những khó khăn, trở ngại và bị bách hại đến đổ máu đó chính là cái mà Đức thánh cha gọi là một Giáo Hội bị “tai nạn”. Chúa GiêSu ngày xưa cũng bị tai nạn trên Thập giá. 117 Vị thánh tử đạo Việt Namcũng bị tai nạn nhưng công Giáo Việt Nam vẫn vươn lên mạnh mẽ. Nếu sợ tai nạn Giáo Hội sẽ không mở mang phát triển, sẽ không đóng góp được điều gì là thiện hảo cho hành tinh này. Chính vì vậy Đức thánh cha nói : “Ngàn lần tôi thích Giáo Hội bị tai nạn hơn một Giáo Hội bệnh hoạn”.
Đối với chúng ta, đi ra đường dễ bị tai nạn, nhưng có đi ra chúng ta mới hoạt động, học tập, giúp đỡ được người khác nhiều hơn. Các bạn dám đi ra khỏi gia đình mình để tham gia vào các đoàn thể, các bạn học hỏi được nhiều điều hay lẽ phải, các bạn giúp đỡ và đóng góp được nhiều điều hữu ích cho tha nhân, mặc dù khi đi ra như vậy các bạn gặp không ít “tai nạn” khó khăn, gian khổ, xâm mình nhưng có hy sinh như vậy chúng ta mới làm phát triển cá nhân và giúp ích cho tha nhân. Nếu không dám đi ra khỏi chính mình, các bạn ở nhà chẳng giúp đỡ được ai, chẳng học hỏi được điều gì, trái lại dễ sinh ra nhiều bệnh tật. Chính vì vậy mà Đức thánh cha mới thao thức “ Ngàn lần tôi thích Giáo Hội bị tai nạn hơn là một Giáo Hội bệnh hoạn”. Một số đoàn thể không tổ chức hoạt động nhiều nên đã không thu hút được sự quan tâm của các bạn trẻ và để rơi rớt hàng ngũ của mình. Đó cũng là một tình trạng bệnh “ít hoạt động” không dám xâm mình hy sinh để dẫn dắt đoàn mình đi lên – sợ phải ra đường, sợ bị tai nạn – đó là một đoàn thể “chết dần mòn”.
Trong khi đó, Giáo Hội ngoài bắc luôn bị gây khó khăn như tại Giáo Xứ Mỹ Yên thuộc tỉnh Nghệ An, mới đây nhất Họ lại bị làm khó dễ nhưng chính trong hoàn cảnh như vậy Giáo Hội lại đoàn kết hơn, cậy trông vào Chúa hơn và sốt sắng cầu nguyện hơn. Hôm 16/09/2013 vừa qua 176 linh mục tu sĩ cùng hơn 20.000 giáo dân tụ họp nhau cầu nguyện thể hiện tinh thần hiệp nhất chung quanh vị Giám mục Địa phận Vinh tại Đền Thánh AnTôn-Trại Gáo để cầu nguyện cho Giáo xứ Mỹ Yên. Hơn bao giờ hết chính khi khó khăn tai nạn, Giáo hội càng hiệp nhất và cầu nguyện liên lỉ giúp mọi người nhận thức hơn sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời.
Đức Thánh Cha đặc biệt nhắc lại sự cần thiết dấn thân truyền Giáo vì “một Giáo Hội không đi ra khỏi chính mình, sớm hay muộn sẽ bị bệnh hoạn trong bầu khí ô nhiễm mọi thứ đang lan tràn trong Giáo Hội. Theo nghĩa này, Đức thánh cha khích lệ ra khỏi chính mình để đi đến các vùng ngoại vi của cuộc sống. Có hoạt động, có sai lầm nhưng né tránh không dám bước đi lại càng mắc một sai lầm nghiêm trọng hơn.

II . TÔI THÍCH MỘT GIÁO HỘI XÂY CẦU HƠN XÂY TƯỜNG
Câu nói này của Đức thánh cha vào ngày 09/05/2013 trong một bài giảng tại nguyện đường thánh Matta trong thành Vatican. Đã có nhiều bài viết hoặc bài giảng đã triển khai một cách hứng thú về ý tưởng này

Chúng ta cùng suy tư tìm hiểu giáo huấn của Đức thánh cha.
Thầy Nicolas Vũ Ngọc Hải - Cồn Én An Giang đã cho xây 1 cái cầu gỗ trong đường chính của thôn dẫn đến nhà thờ Cồn Én trong dịp thầy được phong chức linh mục. Sau đó, Ngài lại vận động quyên góp để xây 1 cây cầu lớn hơn gấp 3 lần cầu trước, cầu này nối liền 2 xã, từ đó học sinh đi học có thể đi bằng xe đạp thoải mái mà không còn phải đi đò ngang nữa, những chiếc xe hơi muốn vào xứ đạo đã có thể đi đến tận Giáo xứ mà không còn phải để xe bên kia sông như trước đây. Giao thông buôn bán dễ dàng, những dịp lễ lớn Noel dân ngoại có điều kiện sang Giáo xứ xem lễ Noel đông hơn, dễ dàng hơn.
Giáo xứ nghèo của Cha rất có duyên được nhiều nơi xa gần thương mến, họ thường đến thăm tặng quà, giúp học bổng cho học sinh và gởi tiền giúp dân nghèo đói. Cha luôn dùng số tiền này để đi giúp đỡ dân nghèo và khi giúp đỡ Ngài không phân biệt đạo giáo hay lương dân. Chính vì vậy nhiều người dân ngoại trong thôn ấp đó đã xin theo đạo và gia nhập Giáo xứ ngày càng đông.

Cha Nicolas không những xây cầu bằng gỗ mà còn xây cầu nối tình yêu thương đến đồng loại mà không phân biệt. Nhờ nhiệt tâm xây cầu nối yêu thương Ngài đã không những làm phát triển Giáo xứ về mặt con số gia nhập đạo mà còn tạo được bầu khi yêu thương liên kết, hiệp nhất trong Xứ đạo. Anh em lương giáo sống chung với nhau như anh em một nhà, những người “ngoại” thỉnh thoảng họ vẫn đem tặng Cha những con cá lóc to hay một quày dừa v.v.. như để thể hiện một cảm tình tốt đẹp với người công Giáo.
Ngược lại có những bức tường được xây nên cao và chắc chắn với mục đích nhằm ngăn cách con người với nhau; chẳng hạn bức tường được xây ngăn cách giữa Tây Đức và Đông Đức người ta còn gọi đó là bức tường ô nhục, “ô nhục” vì nó là dấu của sự chia rẻ nước Đức, một thời làm ô nhục quốc gia này nhưng vào năm 1989 bức tường đã bị đập bỏ để nối liền Đông Đức và Tây Đức thành một quốc gia thống nhất tốt đẹp cho đến ngày nay.

Xây cầu mà Đức thánh cha nói chính là xây cầu nối yêu thương, xây cầu nối tình huynh đệ anh em.Đây chính là lời mời gọi, chúng ta hãy nỗ lực xây dựng những chiếc cầu nối kết tình huynh đệ với nhau. Trong quá khứ chúng ta đã vô tình dựng nên nhiều bức tường ngăn cách nhau trong nội bộ, trong đoàn thể, tuy một tập thể nhưng lại phân rẻ nhiều nhóm và mỗi nhóm thay vì liên kết nhau thì lại khích bác nhau, chỉ trích, chê bai, nói xấu, gây chia rẻ, xào xáo trong nội bộ, thậm chí dựng bức tường ngăn cách nhau đến nỗi không muốn nhìn mặt nhau khi sinh hoạt chung. Mỗi lúc họp mặt chúng ta không mang theo tâm tình huynh đệ chan hòa trái lại so bì nhau hơn thua, Giáo hội ghen tỵ nhau, một cách tiêu cực làm mất ý nghĩa Giáo hội huynh đệ. Đã có nhiều mảng bức tường như vậy đang ngấm ngầm dựng nên làm ngăn cách anh em. Vậy chúng ta hãy ý thức việc cần phải xây cầu liên đới với nhau

Ngoài ra, ý của Đức thánh cha còn muốn chúng ta xây cầu nối trong ý truyền giáo là bắc nhịp cầu đến với người nghèo, hay đến với lương dân những người chưa được nhận phép rửa tội để gia nhập Kytô giáo. Dù phải đi ra khỏi chính mình, anh em dễ gặp “tai nạn” nhưng anh em lại có thể xây được nhiều cầu nối với anh em với đồng loại hơn./.

Chim én







Chia sẻ bài viết ^^
Other post

All comments [ 0 ]


Your comments